Viêm khớp thái dương hàm là một trong các bệnh lý răng miệng mà nhiều người thường gặp phải với nhiều triệu chứng khác nhau khiến nhiều người hoang mang. Ban đầu chỉ có thể là triệu chứng viêm với các cơn đau nhức hay mỏi hàm thông thường, tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm, viêm khớp thái dương hàm có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng hơn, bao gồm cả việc thủng đĩa khớp – gây phá hủy đầu xương và xơ cứng khớp nếu không được điều trị.
Viêm khớp thái dương hàm là gì?
Khớp thái dương hàm chính là một trong các khớp động của cơ thể và là khớp động duy nhất trên phần sọ mặt vì có khả năng cử động linh hoạt. Khớp thái dương hàm bao gồm diện khớp xương ở hàm dưới và ở xương thái dương, bao khớp, dây chằng của khớp, đĩa khớp và mô sau đĩa. Khớp thái dương hàm đóng vai trò quan trọng trong phần sọ mặt, chịu trách nhiệm cho các hoạt động thường nhật như ăn, uống, nhai và nói chuyện.
Viêm khớp thái dương hàm hay còn gọi là rối loạn khớp thái dương hàm là triệu chứng viêm nhiễm vùng khớp ở hàm và các cơ xung quanh với các cơn đau thắt theo từng chu kỳ, co thắt cơ, mất cân bằng giữa khớp nối xương hàm và xương sọ và gây suy giảm chức năng của khớp thái dương hàm. Các cơn đau này xuất hiện thường làm ảnh hưởng đến các chức năng thường ngày, gây đau nhức và cảm giác khó chịu.
Các triệu chứng thường gặp của viêm khớp thái dương hàm
Viêm khớp thái dương hàm thường bắt đầu bằng những cơn đau nhẹ phần sọ mặt, hàm hay các cơ xung quanh như phần tai. Thông thường, các cơn đau sẽ tự động khỏi sau vài ngày nhưng nếu bệnh tiến triển nặng hơn, các cơn đau sẽ kéo dài dai dẳng cùng các cơn đau khắp vùng mặt, đau bất cứ khi nào có các hoạt động ở vùng mặt như nói chuyện hay ăn nhai.
Bên cạnh các cơn đau, người bị viêm khớp thái dương hàm thường có triệu chứng phần khớp hàm kêu lách cách khi cử động hàm, khi ăn nhai hoặc nói chuyện. Ngoài ra, viêm khớp thái dương hàm còn gây ra các triệu chứng kế cận như đau đầu, nhức vùng mặt, đau mỏi cổ, có tình trạng nổi hạch ở một hoặc hai bên, phì đại cơ nhai khiến khớp bị viêm và gương mặt bị phình to.
Thông thường, các triệu chứng của viêm khớp thái dương hàm sẽ dần được điều trị qua việc sử dụng các loại thuốc giảm đau, qua các bài tập giãn cơ. Tuy nhiên, nếu không được điều trị triệt để, các cơn đau sẽ kéo dài, dẫn đến tình trạng viêm nghiêm trọng và gây thoái hóa các khớp, dẫn đến hiện tượng dính giữa đĩa khớp với các đầu xương. Nghiêm trọng hơn, thủng đĩa khớp sẽ bắt đầu xảy ra, phá hủy đầu xương và xơ cứng khớp và đến lúc đó, việc hoạt động vùng miệng sẽ khó khăn hơn.
Nguyên nhân nào gây ra viêm khớp thái dương hàm
Viêm khớp thái dương hàm là tình trạng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể bắt nguồn từ các bệnh lý và cũng do các thói quen sinh hoạt thường ngày. Thông thường, viêm khớp thái dương hàm có thể là do:
- Viêm khớp bào mòn do thói quen nghiến răng hoặc cắn chặt hàm
- Do các vấn đề về cấu trúc hàm khi mới sinh
- Do căng thẳng và stress kéo dài
- Các bệnh lý về xương khớp như tháo hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, nhiễm khuẩn khớp
- Do các nguyên nhân ngoại sinh như: tai nạn giao thông, ăn nhai đồ quá cứng, va chạm khi chơi thể thap
- do triệu chứng răng mọc lệch, chen chúc gây lệch khớp cắn trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng viêm khớp thái dương hàm.
Phương pháp điều trị viêm khớp thái dương hàm hiệu quả nhất?
Viêm khớp thái dương hàm có thể điều trị sớm từ khi mới phát hiện với các triệu chứng nhẹ thì hoàn toàn có thể ngăn chặn và phòng ngừa các hậu quả nghiêm trọng. Do đó, nếu như bạn có các triệu chứng ban đầu của viêm khớp thái dương hàm, cần nhanh chóng đi đến các cơ sở nha khoa uy tín để tiến hành thăm khám và có các phương hướng điều trị tốt nhất như:
-
Thư giãn cơ mặt với các bài tập
Bạn có thể tham khảo ý kiến của các bác sĩ về các bài tập giúp bạn thư giãn vùng khớp thái dương hàm như: đẩy lưỡi nhẹ nhàng lên đỉnh miệng sau răng cửa trên, để răng tách ra khi thả lỏng cơ hàm; các bài tập về mở miệng một phần và toàn phần; các bài tập đẩy lưỡi lên phía trên hay tập chuyển động hàm từ bên này sang bên kia.
-
Sử dụng thuốc chống viêm theo chỉ định của bác sĩ
Nếu cảm thấy đau nhức và khó chịu, bạn có thể yêu cầu bác sĩ kê các toa thuốc thích hợp với điều kiện sức khỏe của bản thân. Các loại thuốc giảm đau có thể sử dụng như:Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn (OTC), chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc naproxen (Aleve) và các loại thuốc giảm đau khác, bao gồm aspirin (Ecotrin) và acetaminophen (Tylenol).
-
Điều chỉnh thói quen sinh hoạt
Để có được kết quả điều trị tốt nhất, bạn phải thay đổi luôn cả thói quen sinh hoạt hằng ngày – những thói quen có thể gây ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm như: nghiến răng, cắn chặt hàm, nhai thức ăn cứng,… Do đó, hãy cố gắng loại bỏ thói quen nghiến hàm và thường xuyên sử dụng các loại thức ăn mềm trong thực đơn hằng ngày của mình.
-
Sử dụng nẹp nha khoa
Nẹp nha khoa (nẹp khớp cắn hoặc nẹp ổn định hoặc nẹp bảo vệ khớp cắn), là một thiết bị nha khoa được đặt trong miệng để giữ cho các răng thẳng hàng và ngăn ngừa nghiến răng. Loại này giống như một miếng bảo vệ miệng và thường được bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt kê đơn và lắp vào.